Những người vợ 'đeo gông' cuộc đời khi ở nhà chồng nuôi

Phát hiện chồng liên tiếp ngoại tình, Hiền đòi bỏ thì anh ta thách thức: "Tao đố mày ly dị đấy. Không xu dính túi đừng hòng được nuôi con".

Đang làm kế toán tại một công ty xuất nhập khẩu, kết hôn xong có bầu luôn, Hiền, 26 tuổi (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bỏ việc để ở nhà dưỡng thai và lo cho gia đình, sau khi nghe chồng thuyết phục "Anh thừa sức lo cho vợ sung sướng".

"Anh ấy làm giám đốc một công ty, thu nhập cao, lúc yêu lại rất chiều chuộng nên em vẫn nghĩ mình sau này mình sẽ nhàn nhã, chỉ cần lo chăm con, làm đẹp", Hiền kể.

Nhưng vừa sinh con tròn tháng, Hiền biết chồng có bồ. Cô làm ầm ĩ lên thì anh ta hứa từ bỏ nhưng lại cặp kè những người khác. Cứ mỗi lần bị vợ phát hiện, chồng Hiền lại xin lỗi nhưng với thái độ như ép buộc cô phải tha thứ. Cuối cùng, sau 3 năm chung sống với vài lần đánh ghen mệt mỏi, Hiền muốn chia tay thì chồng thách thức, dọa cô sẽ mất quyền nuôi con nếu ly hôn bởi không có tài sản, thu nhập gì.

Biết mình yếu thế, Hiền ngậm đắng nuốt cay, định chờ ngày con lớn hơn sẽ gửi bé đi học để đi làm lại. "Em hoang mang lắm. Nghỉ việc vài năm kỹ năng rơi rụng, không biết có chỗ nào nhận không. Chồng thì ngang nhiên bồ bịch, tiền đưa chỉ đủ nuôi con", cô nói.
Ảnh minh họa: Ibnliv.

Nhà tâm lý Vũ Ánh Tuyết, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm (Hà Nội) cho biết, chị gặp không ít phụ nữ rơi vào khủng hoảng, tay trắng khi quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con, phụ thuộc hoàn toàn vào chồng. Có những người vợ bế tắc đến nỗi không biết phải tiếp tục cuộc sống của mình như thế nào, như trường hợp chị Trâm (Gia Lâm, Hà Nội) là một điển hình. 

Đã qua một lần đò, chị Trâm cảm thấy vô cùng may mắn khi người chồng sau chấp nhận nuôi con riêng của mình, đồng thời động viên chị ở nhà an dưỡng, chăm con sau khi sinh em bé thứ hai. Tuy nhiên, mỗi lần đi làm về mệt, anh lại chì chiết vợ: "Nuôi con mình đã khổ, tôi lại còn phải chăm cho cả con thằng khác!". Chị Trâm muốn xin đi làm để chồng đỡ vất vả nhưng anh không cho, còn lớn tiếng quát: "Cô chỉ biết lo cho con cô, còn vứt con tôi cho ai? Cô mà dám mang nó đi gửi, có vấn đề gì, tôi sẽ xử lý cô".

Mẹ chồng chị Trâm cũng vào hùa, luôn miệng chê trách con dâu và đi kể xấu khắp xóm rằng: "Thằng con tôi khổ quá, một mình phải è cổ đi làm nuôi mấy đứa ăn bám". Không muốn mang tiếng bỏ chồng lần hai, chị Trâm chẳng biết phải làm gì khi mắc kẹt trong cuộc sống không khác gì địa ngục của mình. 

Cũng vì không thể tự chủ được về tài chính mà chị Ngân (Bắc Ninh) bị mất quyền nuôi con và vẫn phải phục tùng chồng sau khi ly dị. 

Chị Ngân kể, sau khi lấy chồng, chị bỏ nghề vì mãi không xin được vào biên chế. Chị tính vay tiền mở một cửa hàng bán quần áo nhưng anh chồng - là một chủ thầu xây dựng - gàn: "Kinh doanh làm gì cho đau đầu, nhanh già, một mình anh kiếm tiền là được". Cảm động vì thấy chồng thương mình như vậy, chị Ngân quyết định ở nhà vài năm toàn tâm chăm cho hai con nhỏ. Tuy nhiên, mấy năm nay, chồng chị thường xuyên đánh đập vợ mỗi lần say xỉn. Không chịu đựng được, chị ly hôn, cả hai con đều do chồng nuôi vì chị không có nguồn thu nhập nào. 

Sau ly hôn, nhớ con da diết, thi thoảng chị lại quay về. Ông chồng biết chị không thể buông hẳn nên lợi dụng điểm yếu này đòi quan hệ khi chị tới. Nếu chị không đồng ý, anh ta lại mang con ra hành hạ, kiểu như: Cho hai con ngồi lên xe máy, không đội mũ bảo hiểm hay thắt đai an toàn và phóng với tốc độ kinh hoàng... Thắt tim lo cho con, nhiều lần, chị đành ngậm ngùi chiều chồng cũ. Bởi vậy, dù trên giấy tờ là đã ly hôn, thực tế chị không chỉ trắng tay mà tự do cũng không có.

Theo nhà tâm lý, thực ra, gốc rễ bi kịch của các trường hợp trên không hẳn nằm ở việc người phụ nữ ở nhà chăm con. Bởi thực tế, nhiều phụ nữ ở nhà nội trợ nhưng vẫn là người khiến chồng nể phục, gia đình hạnh phúc. Như tại Nhật, phụ nữ ở nhà nhưng chính là người quản lý kinh tế của gia đình. Còn ở Việt Nam, phụ nữ ở nhà hầu như không được quản lý tài chính, chỉ là người "xin" tiền chồng để chăm lo cho cả gia đình. Ngoài ra, họ buông bỏ cái tôi, không chăm sóc mình, khiến bản thân trở nên xuề xòa, lôi thôi, tụt hậu. Chính họ đã coi thường bản thân nên người chồng càng dễ có đà coi thường vợ và tự cho mình ở vị trí cao hơn.

Nhiều người phụ nữ luôn được nhồi nhét tư tưởng lấy chồng như một sự may rủi, gặp được người tốt thì được hưởng còn lấy phải anh tồi thì đành chịu. Cũng vì cho rằng như vậy, có những chị em sống trong cảnh hôn nhân địa ngục nhưng họ không dám thay đổi vì đủ mối lo, sợ bị dị nghị, sợ bố mẹ xấu hổ, lo con cái khổ khi bố mẹ ly tán. Có người đã tự đeo chiếc gông cùm vô hình này cả cuộc đời không dám thoát ra.

Nhà tâm lý còn ấn tượng mãi với một khách hàng 60 tuổi, gọi điện đến tư vấn với giọng nghẹn ngào mấy tháng trước. Bà kể chồng thường xuyên ngoại tình. Khi bà rình bắt quả tang rồi làm ầm ĩ lên, ông còn chỉ thẳng vào mặt vợ quát: "Mày mà còn tiếp tục như thế, tao cắt không còn một đồng nào đi chợ nữa cho biết mặt!".

Bà chia sẻ mỗi lần xin tiền chồng là cảm thấy "vô cùng nhục". "Có hôm ông ấy đi chơi về, tôi xin tiền để đi mừng cưới người họ hàng thì ông ấy lôi ra nắm tiền lẻ nhàu nhĩ trong túi, ném thẳng vào mặt", bà nói. 

Ông chồng hiện có lương hưu, còn bà cả đời ở nhà chăm con và lo cho bố mẹ chồng nên giờ chẳng có nguồn thu nào. "Hồi trước ai cũng bảo tôi sướng, chẳng phải chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền, cần gì hỏi chồng có ngay. Nhưng thực ra, hồi chưa nghỉ hưu, lương ông ấy cho gái là chính, tiền đưa vợ đi chợ thì dè xẻn từng xu. Tôi ngậm đắng nuốt cay mấy chục năm trời, tới tuổi này rồi vẫn chưa được yên", bà tâm sự. 

Theo nhà tâm lý, để thay đổi hoàn cảnh gông cùm của mình, chính người trong cuộc phải thay đổi suy nghĩ để thay đổi hành động. Phụ nữ đừng nên nghĩ rằng cần chịu đựng vì con bởi trẻ không thể phát triển tốt nếu sống trong môi trường bố không tôn trọng mẹ. Con cái cũng không thể học cách trưởng thành và yêu thương nếu có bạo lực trong chính gia đình mình. Trẻ cũng không muốn khi lớn lên lại phải gánh một "món nợ" quá lớn là vì mình mà mẹ phải hy sinh cả tự do, tuổi xuân.

Để bắt đầu thay đổi, bản thân họ phải thấy rõ hậu quả khi sống phụ thuộc. Đó là mất quyền tự do, tự chủ và gia đình được xây dựng với sự mất cân bằng giữa hai vợ chồng khó có thể duy trì hạnh phúc bền lâu.

Việc thay đổi này sẽ cần rất nhiều sự trợ giúp của mọi người xung quanh, từ gia đình, bạn bè... "Hãy học cách bắt đầu lại ngay cả khi nghĩ rằng đã quá muộn. Việc đầu tiên là làm chủ tài chính bằng cách làm một công việc nào đó. Đừng tự biến mình thành quân cờ trong tay người khác, cuộc đời mỗi người do chính mình tạo nên", nhà tâm lý nói. 

Vương Linh

Đăng nhận xét

0 Nhận xét